Sunday, September 10, 2017

Kinh nghiệm học lập trình (2)

Việc học lập trình cần có thời gian, phải rất kiên nhẫn. Đừng cố gắng học gấp theo kiểu học trong 24 giờ như các quyển sách Beginning hay rút tít.
Đừng bao giờ cố nhồi nhét vì không thể nhồi được. Đầu óc bạn cần có thời gian để quen dần. Cũng như học ngoại ngữ, không thể thuộc ngay hàng ngàn từ chỉ sau một tuần.
Các khái niệm ban đầu rất khó khăn để hiểu. Khi tôi mới học, các khái niệm như phương thức là gì, đối tượng là gì quả không dễ. Cái dòng tạo đối tượng của Java như sau:
Activity doituong = new Activity();
Nhìn chữ Activity lặp lại hai bên tôi không hiểu nó là thế nào, cái chữ new tô màu kia nữa, là cái gì ớ, sao mà khó thế !
Rồi đến get, this, super, extends, override, động đến cái gì mới đều rối mắt lên, thấy khó nhá quá.
Sau khi hiểu bạn sẽ thấy rằng đó là cú pháp ngôn ngữ lập trình. Nó không là gì cả, chỉ là qui tắc cần như thế thôi ớ !
Con mắt của người mới học thấy khó hiểu vì cách tiếp cận không đúng. Thực tế bạn không cần nhìn đến các chữ đó. Bạn chỉ cần biết là cái dòng lệnh ấy dùng để làm gì thôi. Đừng bao giờ nhìn từng chữ mà hãy xem cả câu lệnh ấy để làm gì. Các chữ new, this, super, override nó nằm trong cả câu lệnh và câu lệnh ấy cần có chúng như một thủ tục, thế thôi. Và bạn sẽ không dùng riêng từng chữ mà dùng cả câu lệnh.
Nếu học sai, cố nhồi nhét để hiểu xem new, get, this, override nó là gì trong vài ngày thấy không xong, bạn rất dễ chán mà bỏ dở. Trong khi thực tế không cần biết nó là gì vẫn có thể làm được như thường.
Ai khi mới học đều có lúc chán ngán vì các khái niệm mới. Bạn có thể nghỉ vài ngày, sau đó quay lại. Vẫn những kiến thức đó nhưng khi bạn quay lại sẽ thấy nó quen hơn, dễ tiếp thu hơn. Đó là vì cơ chế người ta gọi là tiềm thức. Trí óc chúng ta không chỉ có ý thức, nó còn nhiều thứ sâu hơn như vô thức, tiềm thức. Ý thức lại yếu hơn vô thức, tiềm thức. Khi bạn nghỉ ngơi thì cái tiềm thức ấy nó tiếp thu, sắp xếp, làm cho mọi thứ trở nên quen hơn, nhẹ nhàng hơn. Vấn đề từ lơ mơ sẽ trở nên rõ hơn so với các ngày trước khi nó là hoàn toàn mới.
Nhưng đừng có nghỉ lâu quá hàng tháng, bạn dễ bị cuốn vào việc khác, hoặc thấy nghỉ ngơi, đi chơi dễ chịu quá rồi quên luôn việc học !
Thường sau khi nghỉ mà vẫn chưa hết chán, sẽ rất khó để bắt đầu lại. Kinh nghiệm là cứ ngồi vào bàn, gõ lại các dòng lệnh cũ, như mấy vòng lặp for để in ra các số chẵn, lẻ từ 1 đến 100 chẳng hạn, rồi chạy nó xem thử trên màn hình Console. Một lát như thế là có thể tiếp tục được.
Sau này, đến lúc gọi là qua ngưỡng, cũng như học ngoại ngữ vậy, bạn sẽ thấy nó trở nên bình thường, không còn chán nữa. Lúc đó ngồi vào bàn thì cũng như ngồi lướt web thôi, không phải lên gân cố gắng nữa.
Việc ghi chú khi mới học lập trình là rất cần thiết. Nên có một file word, học được gì thì ghi ra, lúc nào quên có thể nhanh chóng xem lại.
Tôi từng có các ghi chú như sau:
- Để chuyển từ số sang kiểu String.
String a= String.valueOf(number);
Hoặc String a = number + "";
- Lệnh for thì trong ngoặc phải là dấu chấm phảy ; for (int i=0; i<=10; i++)
Nó đơn giản thế thôi nhưng khi gõ lệnh nhìn vào bạn thấy ngay cái mẫu đúng.
Cố gắng code sao cho đơn giản. Tạo ra code đơn giản ai nhìn cũng hiểu mới khó chứ không phải là một mớ rối rắm chỉ có mình mới hiểu.
Khi bạn search tìm kiếm trên mạng, như ở trang StackOverflow, các câu trả lời đúng thường ngắn gọn, đơn giản. Cứ chọn những cái ngắn gọn, dễ nhìn để chạy thử. Câu trả lời có đánh dấu xanh bên trái thường là đã được thẩm định, nhưng không chắc 100% nó chạy đúng như bạn muốn!


Cũng như các môn học khác, nếu có năng khiếu bạn sẽ học dễ hơn người khác. Lúc đó hãy khiêm tốn, bởi bạn có thể làm rất xuất sắc, nhưng đến khi lên Google Play ứng dụng của bạn lại có rất ít lượt tải. Trong khi Flappy Bird không khó nhưng lại bùng nổ rất kinh khủng…

No comments:

Post a Comment