Sunday, September 10, 2017

Kinh nghiệm học lập trình

Điều cốt yếu khi học lập trình là thực hành.
Phải thực hành ngay lập tức. Thậm chí cực đoan như phát ngôn phổ biến trên các diễn đàn lập trình: “Không cần hiểu, chỉ cần làm được”. Khi mới học, bạn sẽ nghĩ làm sao mà không hiểu lại có thể làm được. Thực tế đúng như vậy, cứ bắt tay vào làm một cái gì đó. Các khái niệm như phương thức, đối tượng, biến, mảng chỉ là cách gọi tên các mảnh ghép mà ta dùng khi lập trình.
Khi ta thực hành, chính là đang dùng các khái niệm đó, để ta quen với nó. Chỉ nhìn nó trong sách sẽ không nắm được cái gì cả. Thực hành là sử dụng để biến nó thành của ta.
Nói cho người chưa từng biết cái điện thoại về công nghệ rất khó. Hãy cứ đưa cho họ cái điện thoại để họ sử dụng rồi họ sẽ tự hiểu đấy công nghệ nó là như thế. Lập trình cũng y như vậy, các khái niệm luôn khó hiểu và vô nghĩa nếu bạn không tự tay mình thao tác y như cầm cái điện thoại mà dùng vậy.
Chỉ khi thực hành, chạy thử các ví dụ, các đoạn code bạn mới hiểu ra phương thức là thế này, đối tượng là thế kia. Khi ta gõ ra những dòng này chính là đang sử dụng biến, làm phương thức, tạo đối tượng, đang truy xuất biến nọ mảng kia.
Vậy hãy ngồi gõ ngay đoạn những đoạn code mẫu, như lọc các số chẵn trong khoảng từ 1-100, in ra màn hình. Rồi nghĩ cách in ra các số lẻ, hoặc các số chia hết cho 5, 6, 8 chẳng hạn.
Khi bạn làm điều đó, bạn sẽ hiểu về các cú pháp cơ bản nhất mà mọi ngôn ngữ lập trình đều dùng, đó là lệnh if, vòng lặp for, cách dùng mảng.
Cố gắng tự nghĩ cách làm các bài tập, chỉ có cách đó bạn mới hiểu được vấn đề. Chỗ nào vướng, nhờ thầy chỉ giúp hoặc hỏi bạn bè.
Ai cũng có thể biết cái gì đó người khác không biết. Không ai dám bảo tôi biết tất cả, làm được tất cả. Luôn chạy thử các dòng code để biết chắc nó đúng.
Đừng thấy ai đó tỏ ra ta khá mà vội tin. Người giỏi nhất thường chả nói gì cả. Người hay nói đế theo, gật gù ra vẻ hiểu rồi thường là người không học được. Người cái gì cũng thắc mắc hỏi thầy, thở than khéo mình đếch học được có khi rồi lại rất khá.
Khi đã nắm được một vài yếu tố cơ bản như đối tượng, phương thức, cách thiết kế giao diện, bạn có thể làm ngay cái gì đó, như ứng dụng đọc sách chẳng hạn. Không cần phải biết tất cả mới làm ứng dụng được, cứ vừa làm vừa học là tốt nhất.
Vì thế khi bạn đến lớp, có khi mới buổi đầu thầy dạy đã bắt mọi người đăng ký dự án tốt nghiệp để làm dần. Ai cũng phải nghĩ ra cái gì đó. Đó là cách để ép bạn tự tìm tòi thực hành chứ không chỉ trông chờ các bài học trên lớp…



No comments:

Post a Comment